Những vướng mắc trong việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp đối với tên miền quốc gia
Các cơ quan quản lý nhà nước gần đây thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về việc bảo hộ thương hiệu, phát triển và quảng bá hoạt động trên Internet thông qua tên miền quốc gia. Trái lại, dường như các doanh nghiệp vẫn đang rất thờ ơ trong vấn đề này.
–> Đánh mất cơ hội chỉ vì tên miền
Qua cuộc thống kê mới nhất của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) vào tháng 12, khối các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đăng ký khoảng trên 1000.000 tên miền Việt Nam .vn. So với số doanh nghiệp đã đăng ký trên lãnh thổ thì đây vẫn là con số khá khiêm tốn, điều này có thể tạo tiền đề cho những việc tranh chấp xung quanh việc thương hiệu của tên miền.
Ít được quan tâm do chi phí cao?
Nhiều ý kiến cho rằng số lượng tên miền Việt Nam đang còn ít được ưa chuộng thực tế là do chi phí cho tên miền .vn cao hơn chi phí cho tên miền quốc tế (.com , .net…). Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc về kinh doanh của Công ty cổ phần Mắt Bão khẳng định chi phí sử dụng tên miền .vn không cao hơn nhiều so với tên miền quốc tế; thậm chí còn thấp hơn khi khách hàng sử dụng những năm kế tiếp. Tính trung bình, phí đăng ký và duy trì tên miền Việt Nam (.vn) chỉ bằng phí gia hạn gói cước thuê bao dịch vụ viễn thông 3G hằng tháng (khoảng 70.000 đồng/tháng).
Mắt Bão còn dẫn ra một số điều kiện ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng tên miền Việt Nam so với tên miền quốc tế như tốc độ truy vấn nhanh chóng, được pháp luật Việt Nam bảo hộ khi xảy ra tranh chấp tên miền… Ngoài ra, nếu doanh nghiệp đã đăng ký tên miền .vn, khi người sử dụng gõ tên thương hiệu của doanh nghiệp trên các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo!… thì chắc chắn sẽ được ưu tiên hiển thị tại Việt Nam.
Ông Giáp Hùng Cường, người đại diện của nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam GLTech, lại cho rằng chi phí không phải là lý do khiến cho doanh nghiệp ngần ngại trong việc sử dụng tên miền Việt Nam. Theo ông, những công ty lớn thường đăng ký tên miền thương hiệu với nhiều dạng .com, .net, .vn… Đặc biệt các tập đoàn nước ngoài khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam thường sẽ chọn tên miền .vn làm tên miền chính thức.
Một số nhà cung cấp tên miền Việt Nam cũng khẳng định việc nhiều tập đoàn nước ngoài, công ty trong nước… đang dùng tên miền Việt Nam làm tên miền chính. Có thể kế đến trường hợp nhà bán lẻ trực tuyến Lazada với lazada.vn, Công ty cổ phần VNG với vng.com.vn; sàn thương mại điện tử Sendo thuộc Tập đoàn FPT với tên miền sendo.vn…
Tại cuộc hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .vn” do VNNIC phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức vào tuần qua, VNNIC đã kêu gọi doanh nghiệp tăng cường sử dụng tên miền Việt Nam để góp phần bảo vệ thương hiệu Việt. Các nhà đăng ký tên miền trong nước cũng lên tiếng ủng hộ việc sử dụng tên miền tiếng Việt và đưa ra các chương trình ưu đãi khi doanh nghiệp đăng ký tên miền Việt Nam.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó giám đốc VNNIC, cho biết mặc dù đã có các quy định pháp luật về việc bảo hộ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ nhưng đơn vị này không thể bảo đảm việc doanh nghiệp có được tên miền liên quan. Để bảo vệ thương hiệu của mình trên Internet, các doanh nghiệp phải chủ động đăng ký các tên miền có liên quan đến quyền lợi, lợi ích đối với thương hiệu của mình. Việc sử dụng tên miền .vn để bảo vệ thương hiệu Việt khi kinh doanh ở trong nước cũng như thị trường quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng người Việt.
Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho rằng tên miền có vai trò quan trọng trong việc nhận diện thương hiệu, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường và tiếp cận thị trường mới. Tuy nhiên, tên miền lại có thể dễ dàng bị đánh mất khi có người khác chủ động đăng ký trước đơn vị sở hữu thương hiệu. Do đó, tên miền phải được doanh nghiệp xem là một tài sản cần được bảo vệ.
Một số nhà đăng ký tên miền còn nói về các trường hợp tranh chấp tên miền xuất phát từ việc doanh nghiệp không đăng ký tên miền Việt Nam. Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như ibm.com.vn, bitis.vn, toyotavn.vn… Có những tên miền gắn liền với thương hiệu doanh nghiệp nhưng do không được đăng ký sớm nên đã bị cá nhân, tổ chức khác đăng ký trước và rơi vào tình trạng tranh chấp.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Tuấn, Giám đốc về kinh doanh của iNET ở TPHCM, nói rằng một số doanh nghiệp trong nước chỉ đăng ký tên miền quốc tế và bỏ qua việc đăng ký tên miền quốc gia .vn. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp phải hối tiếc, lao vào những vụ kiện cáo, tranh chấp tên miền trong nhiều năm; vừa mất thời gian, vừa mất chi phí.
Tâm lý thích tên miền quốc tế
Trên thực tế, một số doanh nghiệp thích sử dụng tên miền quốc tế vì quy trình đăng ký dễ dàng, thuận tiện, lại ít bị luật pháp Việt Nam kiểm soát so với tên miền .vn. Đồng thời, một số doanh nghiệp “chạy” theo trào lưu chọn tên miền .com, .net như một kiểu hướng ngoại, phản ánh xu hướng hội nhập quốc tế… Cách đây vài năm, một số nhà đăng ký tên miền quốc tế (công ty Việt Nam) đã tích cực kêu gọi doanh nghiệp trong nước đăng ký tên miền .com nhằm hướng tới việc phát triển mảng kinh doanh trực tuyến.
Tại cuộc hội nghị về tập huấn pháp luật về tài nguyên Internet và trình tự, thủ tục thao đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ vào cuối tháng 6 vừa qua, người đại diện của VNNIC cho biết một số tổ chức, doanh nghiệp thường đăng ký tên miền quốc tế vì cho rằng việc sử dụng chúng sẽ thuận tiện, dễ dàng hơn… Trên thực tế, theo ghi nhận của VNNIC, một số hành vi sai phạm trong quá trình đăng ký và sử dụng tên miền ở Việt Nam chủ yếu rơi vào nhóm tên miền quốc tế.
Sắp tới, các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương sẽ tăng cường kiểm tra việc đăng ký, cung cấp và sử dụng tên miền quốc tế. Hoạt động thanh tra này nhằm siết lại các quy định về tên miền quốc tế tại Việt Nam. Các nhà đăng ký tên miền quốc tế cũng như các tổ chức, cá nhân đang sử dụng tên miền quốc tế để thiết lập trang thông tin điện tử phải tuân thủ việc thông báo tên miền quốc tế với Bộ Thông tin và Truyền thông tại trang http://www.thongbaotenmien.vn/
Trên thực tế, tên miền đóng vai trò như một địa chỉ, một thương hiệu của doanh nghiệp trong môi trường Internet. Vì vậy, việc phát triển thương hiệu gắn với tên miền cần được doanh nghiệp quan tâm và đầu tư nhiều hơn. Tên miền và trang web gắn liền với sự phát triển thương hiệu sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong việc nhận diện thương hiệu, quảng bá, truyền thông, tiếp cận các thị trường lớn …
Theo người đại diện của PA Việt Nam, một nhà đăng ký tên miền, để tăng cường việc quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp nên đặt tên miền trùng hoặc gần giống tên công ty. Trong trường hợp doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có kế hoạch đầu tư cho tên miền thì nên chọn phương án đăng ký “bao vây”. Nghĩa là, ngoài tên miền chính (tên miền thương hiệu), doanh nghiệp đăng ký thêm các tên miền trong nước và quốc tế có liên quan với tên công ty hoặc sản phẩm công ty chuẩn bị tung ra thị trường.
Tên miền cũng giống như một “ngôi nhà” trên mạng của doanh nghiệp; nó sẽ gắn liền với thương hiệu hoặc tên sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu không kịp thời quan tâm, đăng ký quyền sở hữu… thì các doanh nghiệp có thể bị đánh mất “ngôi nhà” đó.
Dừng việc chuyển nhượng tên miền khi có tranh chấp
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 16/2016/TT-BTTTT (ngày 28-6-2016), hướng dẫn việc chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet được cấp không thông qua việc đấu giá có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2016. Thông tư 16 quy định rõ các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet phải dừng hoặc hủy bỏ. Đáng chú ý là việc dừng chuyển nhượng đối với các tên miền đang ở trong quá trình giải quyết tranh chấp; điều này liên quan mật thiết tới việc sử dụng tên miền thương hiệu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền cũng phải dừng trong các trường hợp như: Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên Internet; bên tiếp nhận chuyển nhượng không thực hiện nghĩa vụ nộp phí, lệ phí đăng ký sử dụng tên miền theo quy định; cơ quan thuế thông báo việc các bên tham gia chuyển nhượng chưa hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế…
(Theo thesaigontimes)