Giảm chi phí nhưng vẫn không thể tăng trưởng mạnh, lối đi nào cho tên miền quốc gia
Khi tên miền ngoại rẻ hơn tên miền nội
Cách đây vài năm, khi khởi nghiệp trong lĩnh vực may mặc, thời trang với thương hiệu áo sơ mi HANÕI Tailor, anh Trần Chiến Bình đã chọn mua tên miền www.hanoitailor.com làm địa chỉ để kinh doanh trên mạng.
“Sau khi sở hữu tên miền www.hanoitailor.com và vận hành một website thương mại điện tử trên tên miền này, lượng truy cập tăng mạnh. Số lượng khách hàng sử dụng các công cụ trên website để giao tiếp, mua hàng của chúng tôi cũng gia tăng nhanh chóng. Với tên miền “.com”, HANÕI Tailor có thể tiếp cận được với hầu hết khách hàng mà không gặp trở ngại về thời gian cũng như khoảng cách địa lý. Website chính là điểm ‘tiếp xúc’ lý tưởng, ổn định giữa doanh nghiệp với các khách hàng và giúp chúng tôi tham gia các kênh quảng cáo một cách hiệu quả”, anh Bình cho biết.
Tương tự như anh Bình khi mà sản phẩm muốn hướng rộng ra không chỉ một vùng địa lý, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lựa chọn tên miền “.com” để làm website bán hàng, làm quảng cáo, thương hiệu. Sau đó mới tìm đến các tên miền “anh em” khác như “.com.vn”, “.vn”, “.org”…
Tất nhiên là không phải không có lý do cho việc đấy. Đầu tiên, tên miền quốc tế như “.com”, “.biz”, “.net”… thường rất phổ biến và được nhiều người biết đến hơn là so với các tên miền quốc gia, do đó cá nhân và doanh nghiệp hướng tới việc mở rộng thị trường ra nước ngoài, hướng tới khách hàng quốc tế sẽ có lợi hơn rất nhiều.
Lý do khác là lệ phí đăng ký và phí duy trì tên miền quốc gia đắt hơn tên miền quốc tế. Tên miền cấp cao quốc tế dùng chung (gTLD) như “.com”, “.biz”, “.net”,… là nhóm tên miền thương mại quốc tế, được Tổ chức Quản lý tên và số Internet của Mỹ (ICANN) cho các công ty kinh doanh tên miền như Verisign, Networksolutions, Register.com… đấu thầu khai thác.
Hiện trên thị trường, khách hàng có thể đăng ký, trả phí online qua thẻ để mua tên miền quốc tế phổ biến là 10 – 40 USD/năm, thậm chí có thể mua những tên miền với giá chỉ 1 USD/năm.
Mức giá tên miền quốc gia vốn thường đắt hơn so với các tên miền quốc tế. Ví dụ, Nhật Bản có mức thu đến 138 euro/năm, Singapore ở mức 78 euro/năm, Trung Quốc 40 euro/năm… Trong khi đó, tại Việt Nam, tên miền “.vn” có giá 350.000 đồng và phí duy trì 480.000 đồng/năm.
Với mức phí cao hơn, nhưng lại “yếu thế” hơn về giá trị, nên tên miền “.vn” chưa được ưa chuộng như tên miền quốc tế.
Vì sao phải giảm giá phí và lệ phí tên miền “.vn”?
Theo Thông tư 208/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí tên miền quốc gia “.vn” và địa chỉ Internet của Việt Nam do Bộ Tài chính mới ban hành, phí đăng ký và duy trì tên miền đã giảm mạnh nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức đăng ký tên miền “.vn” và xa hơn là để tên miền “.vn” có sức hấp dẫn hơn, có sức cạnh tranh hơn với tên miền quốc tế.
Ông Lê Nam Trung, Phó giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, việc giảm phí và lệ phí tên miền “.vn” là thay đổi về cơ chế quản lý chi phí sử dụng tài nguyên Internet Việt Nam. Việc này nhằm hướng đến các mục tiêu như tách công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước và hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; gia tăng lợi ích cho người sử dụng; tạo ra sự chủ động và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tên miền “.vn” và xa hơn nữa là định hướng cạnh tranh tên miền .vn với các tên miền quốc tế khác.
Còn theo ông Đỗ Quang Trung, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của VNNIC, mức giảm bình quân với toàn bộ cấu trúc tên miền ở mức 40% là một trong những bước đầu tiên để củng cố, phát triển bền vững tên miền quốc gia. Việc giảm phí và lệ phí tên miền “.vn” sẽ tạo sự cạnh tranh về giá giữa các cơ quan đăng ký và loại bỏ khoảng cách giữa tên miền “.vn” và tên miền quốc tế.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu phí, lệ phí tên miền “.vn” có phần thu của doanh nghiệp thông qua tiền hoa hồng, còn từ năm 2017 trở đi thì sẽ không có. Cơ chế mới này kích thích việc cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ của các nhà đăng ký đối với người sử dụng.
Như vậy, bên cạnh việc hưởng lợi từ xu thế giảm giá chung, người sử dụng còn được bảo vệ quyền lợi và khẳng định quyền lực người tiêu dùng tốt hơn qua cơ chế cạnh tranh.
Dưới góc nhìn của một nhà kinh doanh tên miền, Huỳnh Ngọc Duy cho biết việc giảm tên miền Việt Nam không ảnh hưởng quá nhiều đến việc phát triển tên miền quốc gia do có rất nhiều yếu tố cấu thành nên. Tuy nhiên đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy tên miền quốc gia đang dần nhận được sự quan tâm trong cuộc chơi xây dựng thương hiệu quốc gia trên internet.
(Tham khảo baodautu.vn)
Xem thêm: Những vướng mắc trong việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp đối với tên miền quốc gia